Tin tức |
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam của TS. Võ Văn Chi, Bọ mẩy còn gọi Đắng cẩy, Clerodendron Cyrtophyllum Turcz., thuộc họ Cỏ roi ngựa - Verbenaceae. Cây mọc trong rừng thưa, ven rừng, các trảng cây bụi, ven đường đi từ các vùng thấp lên độ cao 1.000m. Phân bố gần khắp nước ta từ Lai Châu, Lào Cai, cho đến Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh. Còn có ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaixia. Để sử dụng làm thuốc, người ta thu hái rễ và lá quanh năm. Rễ mang về rửa sạch, thái lát, phơi khô để dùng, lá dùng tươi hay sấy khô. Người ta thường lấy lá non hấp cơm hoặc luộc chín làm rau ăn có vị đắng, nên gọi là "rau đắng", có tác dụng lợi tiêu hóa. Rễ thường được nấu nước cho phụ nữ sinh đẻ uống để lọc máu và bồi bổ cơ thể. Cây thường được dùng trị viêm ruột, lỵ trực trùng ra máu; viêm hầu họng, viêm amydan; viêm phổi sau khi bị sởi; viêm tuyến nước bọt; cảm mạo, phát sốt; răng lợi xuất huyết; chữa hư tổn và điều trị đơn sưng rất có hiệu quả. Người ta cũng thường dùng lá Bọ mẩy tươi nấu nước tắm trị ghẻ lở. Liều dùng phổ biến 15-30g dạng thuốc sắc, có thể nấu thành cao hoặc dùng thuốc bột. Theo Lương y Trần Đình Niên, ông thường hái lá và rễ, ứng dụng chữa bệnh hạ sốt rất tốt cho các bệnh ôn bệnh mùa hè. Các bệnh thực nhiệt, lỵ, các bệnh đơn sưng, cảm sốt thể phong nhiệt, quai bị dùng độc vị hay phối hợp với các vị thuốc khác đều có kết quả rất tốt. Với sự phát hiện và kinh nghiệm sử dụng bước đầu như nêu trên, từ năm 2002, lương y Trần Đình Niên đã giới thiệu cho nhiều đồng nghiệp quan tâm nghiên cứu, sử dụng Bọ mẩy điều trị cho người bệnh, vừa rẻ riền, vừa dễ kiếm, lại phù hợp với thủy thổ của địa phương. Xin trân trọng ghi nhận một tấm gương thầy thuốc có nhiều tìm tòi ứng dụng thuốc Nam tại thành phố Đà Nẵng. |